Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về diện tích và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Thế nhưng, hiện tổng doanh thu của toàn ngành chè chỉ đạt khoảng 552 triệu USD trong năm 2020, trong đó xuất khẩu chè chỉ đem về 217,7 triệu USD, quá thấp nếu đem so sánh với nhiều loại nông sản khác như cà phê, tiêu, điều, cao su…
XUẤT KHẨU GIẢM CẢ LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu chè trong tháng 7/2021 đạt 10 nghìn tấn, trị giá 18 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và giảm 18,9% về trị giá so với tháng 7/2020.
Lũy kế 7 tháng năm 2021, xuất khẩu chè đạt 68 nghìn tấn, trị giá 113 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 1.657,5 USD/tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chè đen và chè xanh là hai chủng loại chè xuất khẩu chính trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu chè đen đạt 29,2 nghìn tấn, trị giá 40,47 triệu USD, giảm 4,4% về lượng và giảm 1,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè đen được xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Nga, Irắc, Đài Loan, Pakistan.
Xuất khẩu chè xanh đạt 24,8 nghìn tấn, trị giá 45,8 triệu USD, tăng 5% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè xanh được xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Pakistan, chiếm 58,3% tổng lượng chè xanh xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè Ô long tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá: đạt 151 tấn, kim ngạch 291 nghìn USD, tăng 77,9% về lượng và tăng 41,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè Ô long được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Đài Loan với lượng chiếm 98,4% tổng lượng chè Ô long xuất khẩu.
Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas), cho biết xuất khẩu chè Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là ở các thị trường dễ tính, với 3 thị trường chính gồm: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga.
Pakistan vẫn là quốc gia đứng đầu về sức tiêu thụ chè của Việt Nam xuất khẩu sang, con số đạt trên 17.274 tấn, tương đương với 33,41 triệu USD trong nửa đầu năm; chiếm 29,7% trong tổng lượng và chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.
Đài Loan là thị trường thứ 2, trong 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu chè sang thị trường này đạt 8.425 tấn và 12,98 triệu USD; tăng 15 % về lượng và tăng 12,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường thứ 3 mà Việt Nam xuất khẩu chè là Nga. Trong nửa đầu năm nay, Nga tiêu thụ sản lượng chè của Việt Nam đạt mức 6.501 tấn, tương đương với 10,33 triệu USD, giá 1.589 USD/tấn, giảm 11,8% về lượng, giảm 7% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Với những thị trường lớn trên thế giới là EU, Mỹ… thì chè Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng. Bởi các thị trường này có yêu cầu cao và khó tính, trong khi sản phẩm chè Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được chất lượng cũng như mẫu mã.
Trong vài năm qua, xuất khẩu của ngành chè Việt Nam sang EU giảm rõ rệt về cả kim ngạch và lượng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do sản phẩm chè của Việt Nam không đa dạng chủng loại cũng như chất lượng chè không được đánh giá cao, đi đôi với đó là mẫu mã và quy chuẩn kém dẫn đến tình trạng chè Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với sản phẩm chè của các quốc gia khác.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), tính đến năm 2021 Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với diện tích lên đến 130 nghìn ha, đạt năng suất trung bình 8 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt 192 nghìn tấn/năm.
Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn phải kể đến như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).
Thống kê tại Việt Nam có đến 170 giống chè các loại, trong đó có một số giống mang hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Tổng doanh thu của ngành chè năm 2020 đạt 552 triệu USD, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 315 triệu USD, xuất khẩu chính ngạch khoảng 220 triệu USD và xuất khẩu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD.
Hiệp hội chè Việt Nam cho hay, tuy có những vượt bật trong sự phát triển về canh tác sản xuất chè nhưng hiện nay, ngành chè đang tồn tại một nhiều khó khăn.
Quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, ước tính bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó khăn trong việc tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất chè còn hạn chế, chè có tưới mới chỉ chiếm lượng nhỏ khoảng 7% diện tích đất trồng chè cả nước cho nên chưa phát huy được tiềm năng của các giống chè mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước).
Chất lượng chè, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành chè dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu của các nước phát triển trong khi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại thị trường EU, Mỹ và Nga thì càng ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Nhiều cơ sở chế biến chè tuy được cấp giấy phép cho xây dựng nhưng lại không có vùng nguyên liệu đáp ứng, cùng với đó là trình độ tay nghề trong chế biến còn thấp, dẫn đến chất lượng chè không cao.
Diện tích đất trồng chè ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, giảm dần vì người dân sử dụng đất chè để trồng các cây công nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Việc bảo tồn gìn giữ các giống chè quý hiếm ở Việt nam vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ.
Vitas cho rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm chè đặc sản như Trà Tân Cương (Thái Nguyên); Trà đen; Trà Shan tuyết; Trà ướp hoa sen; Trà Ô Long…trong đó, dòng chè Shan tuyết khá được ưa chuộng và có giá bán cao trong thị trường tiêu thụ.
Đây là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam có triển vọng tìm được chỗ đứng tại thị trường EU, Mỹ nếu đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, cần chuẩn hóa quy trình canh tác và chế biến các loại chè đặc sản, đầu tư vào khâu bao bì mẫu mã, để nâng cao giá trị xuất khẩu cho chè Việt Nam.